image banner
BÀI TRUYỀN THÔNG : Ý NGHĨA NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ 27/7
Lượt xem: 369
Chiến tranh đã qua đi, đất nước hoà bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Cán bộ và nhân dân xã Hưng mỹ hôm nay tưởng nhớ đến những người đã khuất, đã bị thương trong các cuộc kháng chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “ Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

 Chiều ngày 28-5-1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự. Chiều ngày 11-7-1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “ mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ. Ngày 19-12-1946, kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Ngày 27-7-1947, một cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2000 người tham gia). Tại đây Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ Tịch. Trong thư có đoạn người viết “... Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần ...”.

Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ Chủ Tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sỹ. Tháng 7- 1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sỹ và công tác thương binh. Và từ năm 1955, ngày 27-7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Chiến tranh đã qua đi, đất nước hoà bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Cán bộ và nhân dân xã Hưng mỹ hôm nay tưởng nhớ đến những người đã khuất, đã bị thương trong các cuộc kháng chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao.

Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, ủy ban nhân dân xã Hưng Mỹ đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm với các nội dung tri ân cụ thể: tổ chức thăm hỏi các đối tượng người có công ốm đau nặng trên địa bàn; Động viên thăm hỏi và tổ chức ngày chủ nhật xanh tại gia đình người có công neo đơn; tổ chức đêm giao lưu văn nghệ “ thắp sáng ngọn lửa tri ân”, giải quyết các chế độ chính sách người có công; hỗ trợ làm nhà ở cho người có công có nhà ở bị xuống cấp trầm trọng...Với các hoạt động thiết thực nhằm tạo sự lan toả rộng lớn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc./.

Hồ Thị Huyền - CCVH-XH
BẢN ĐỒ XÃ HƯNG MỸ - HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Lịch làm việc
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HƯNG MỸ
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Thanh Đông - Chủ tịch xã

Trụ sở: Xã Hưng Mỹ - Huyện Hưng Nguyên - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238)821428 - Email: hohuyen195@gmail.com