BÀI TUYÊN TRUYỀN "Uống nước nhớ nguồn" - đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam
Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn phải gồng mình chống lại ngoại xâm và thiên tai khắc nghiệt, lập nên bao chiến công hiển hách, những trang sử vẻ vang. Ði liền với những vinh quang đó phải kể đến những tổn hại hết sức to lớn về người và của. Chính đặc điểm lịch sử đó đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta, đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây".
Cách đây 77 năm, ngày 27-7-1947 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc (sau đó được đổi là Ngày thương binh, liệt sĩ). Ngày này đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn thúc giục, nhắc nhở toàn Ðảng, toàn dân ta phát huy hơn nữa truyền thống "uống nước nhớ nguồn" - một đạo lý nhân văn cao đẹp của dân tộc ta với hàng nghìn năm lịch sử hào hùng. Vào ngày này, toàn Ðảng, toàn dân ta có dịp nhìn lại những việc đã làm để đền ơn đáp nghĩa thương binh, liệt sĩ và củng cố quyết tâm làm tốt công tác này hơn nữa.
Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn phải gồng mình chống lại ngoại xâm và thiên tai khắc nghiệt, lập nên bao chiến công hiển hách, những trang sử vẻ vang. Ði liền với những vinh quang đó phải kể đến những tổn hại hết sức to lớn về người và của. Chính đặc điểm lịch sử đó đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta, đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây".
Ở mỗi địa phương, từ nhiều đời nay luôn có tập tục lập miếu thờ, đền thờ những người có công dựng nước và giữ nước như: anh hùng có công đánh giặc giữ nước, ông tổ làng nghề, người phá hoang lập làng, lập ấp... Có thể nói, truyền thống quý giá này được nâng lên một chất mới khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (tháng 8-1945), một chế độ xã hội tốt đẹp nhất trong lịch sử nước nhà, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ vĩ đại.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập chưa được bao lâu thì kháng chiến bùng nổ, chúng ta phải tiếp tục chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giặc ngoại xâm, trong hoàn cảnh vừa chiến đấu, vừa xây dựng đất nước - một hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhiều mặt. Tuy nhiên, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm giải quyết tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, nên đã tạo sức mạnh to lớn góp phần đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, mặc dù chúng mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Khi cả nước thống nhất đi lên xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới; công tác đền ơn đáp nghĩa của Ðảng và Nhà nước ta có những bước phát triển mới cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Ðảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ. Ðặc biệt, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với nội dung cơ bản là xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những người có công với nước, làm sao cho các gia đình thuộc diện chính sách này ở các địa phương có mức sống ngang bằng hay khá hơn mức sống trung bình ở địa phương cư trú. Theo đó, là ở mỗi địa phương, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình trong diện chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm cho họ có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.
Ðó là những mốc son đánh dấu tình cảm biết ơn sâu sắc, trách nhiệm lớn lao và quyết tâm hành động rất lớn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc đền đáp công ơn to lớn đối với những người đã vì nước xả thân quên mình.
Quả thật, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa đã giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Hằng năm, Ðảng, Nhà nước cùng toàn dân đã chi một số tiền rất lớn vào công tác đền ơn đáp nghĩa, nhằm giúp đỡ các gia đình thuộc diện chính sách vượt qua khó khăn, đặc biệt là làm sao động viên họ phát huy ý chí tự lực, tự cường để vươn lên và làm gương giúp đỡ người khác cùng phát triển.
Chúng ta phấn đấu cả nước cơ bản không còn hộ chính sách trong diện nghèo Ðến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã xóa xong nhà tạm cho các hộ chính sách; gần 95% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở địa bàn cư trú; nhiều địa phương đã thực hiện đạt 100% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình trên địa bàn.
Cái quý nhất có lẽ là phong trào này đã ăn sâu bám rễ và ngày càng phát triển trong xã hội ta, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi; từ đồng bào người Kinh đến đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như đồng bào có đạo trong cả nước. Nhiều tổ chức, cá nhân, tập thể, địa phương đã thực hiện rất tốt công tác này và trở thành điển hình xuất sắc để chúng ta học tập, noi theo.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", cả nước đã chăm sóc tốt các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng như những người có công với nước, làm dịu bớt nỗi đau mất mát của họ sau những năm chiến tranh khốc liệt.
Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi tập thể, cá nhân đã phát huy mọi điều kiện, khả năng của mình để làm nhiều việc tốt đền ơn đáp nghĩa. Ðây là những việc làm mang đậm chất nhân văn mà chúng ta rất trân trọng và tiếp tục phát huy.
Cùng với việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã chú ý rất nhiều đến chính sách xã hội để làm sao cho tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với cải thiện đời sống của đại đa số nhân dân lao động cũng như kết hợp với xóa đói, giảm nghèo. Chúng ta đã cố gắng làm được nhiều việc để đền đáp công ơn thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với nước.
Nhưng cũng thấy rằng, chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác này nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho đất nước để có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Ðó là trách nhiệm xã hội của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trước lịch sử dân tộc, đất nước.
Trong thời gian tới, chúng ta càng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, càng đi sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế thì việc bảo toàn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc càng là vấn đề cấp thiết, trong đó có đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây". Ðây còn là việc làm tốt nhất nhằm giáo dục toàn Ðảng, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có thể nói, xã hội càng hiện đại, kinh tế - xã hội càng phát triển thì yêu cầu về phát triển văn hóa, văn minh tinh thần càng cấp bách hơn bao giờ hết. Ðiều này nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm rất lớn lao trong công tác đền ơn đáp nghĩa nói riêng, trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp văn hóa dân tộc nói chung.